Huấn luyện Chó_nghiệp_vụ

Phương pháp

Một con chó đang được huấn luyện nghiệp vụ

Huấn luyện chó nghiệp vụ phải là một công việc hết sức phức tạp và đòi hỏi quá trình lâu dài. Huấn luyện chó nghiệp vụ phải đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp và phải có tình yêu thực sự đối với động vật vì chó không có tư duy như người. Các phản xạ đều có điều kiện. Tập dần cho chó các bài tập từ thấp đến cao. Như tập phục kích ban đầu chỉ hơn chục phút, rồi tăng dần lên một tiếng và đến cả chục tiếng.

Từ khâu chọn giống, chọn chó đến đào tạo, huấn luyện đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ và bài bản. Chó đảm bảo từ chiều cao, cân nặng, thể lực, thần kinh ổn định đến cả màu sắc. Chó được huấn luyện tính kỷ luật, đến các chuyên ngành phục kích, xác định nguồn hơi, cắn bắt đối tượng. Chó nghiệp vụ chiến đấu phải chịu đựng mọi loại thời tiết, kích thích bên ngoài. Đặc biệt, không được phát tiếng kêu, rên rỉ trong cả chục tiếng đồng hồ, sức khỏe luôn được nâng cao bằng mỗi bài tập chạy từ 2–4 km[8].

Sử dụng kết hợp 4 phương pháp đó là khuyến khích, cưỡng chế, kết hợp khuyến khích cưỡng chế và phương pháp bắt chước. Tuy nhiên cũng tuỳ theo loại chó mà áp dụng phương pháp và mức độ khác nhau. Độ tuổi để huấn luyện chó cũng là điều khá quan trọng, thông thường giai đoạn nhận thức cao nhất của chó là từ 4-7 tháng tuổi, đây cũng chính là giai đoạn hình thành nên những thói quen của chúng. Mức độ luyện tập sẽ tăng dần từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.

Được đầu tư, chăm sóc kỹ càng nên tính kỷ luật của chó nghiệp vụ rất cao, gần như tuyệt đối, nhất cử nhất động của chúng đều tuân thủ theo lệnh, khi chưa có lệnh, chó nghiệp vụ không bao giờ ra đòn. Sau ít nhất ba tháng huấn luyện, những chú chó con có xuất thân từ những giống chó khủng sẽ trở thành những chú chó nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ của mình và tất nhiên, giá cả của những chú chó này đắt. Tuy nhiên, Chó nghiệp vụ thì phải được huấn luyện thường xuyên, đưa về nhà một thời gian, chú chó có thể sẽ quên những động tác đã được học.

Các nước

Nga, mỗi chú chó sẽ được 1 huấn luyện viên trực tiếp chỉ dạy và kèm cặp. Chúng được tập luyện rất nghiêm ngặt dưới sự chăm sóc đặc biệt của đặc nhiệm chịu trách nhiệm nó. Chúng được huấn luyện leo thang, ngửi hơi dò tìm đối tượng, bắt kẻ trộm, cả những nhiệm vụ quân sự quan trọng như tìm kiếm và vô hiệu hóa mìn, vận chuyển người bị thương trong chiến trường, mang đạn dược cho tiền tuyến. Cả chó và người huấn luyện đều phải học cách chiến đấu cơ bản và học làm bác sĩ thú y, cách ngăn ngừa, chăm sóc cũng như cấp cứu một vài bệnh thường gặp. Sau một thời gian, chúng sẽ phải trải qua một kì thi sát hạch. Nếu vượt qua, chúng sẽ được đưa vào phục vụ cho quân đội[9].

Một con chó nghiệp vụ thuộc giống Chó chăn cừu Đức trong biên chế của quân đội Litva

Mỹ, Khi đã được chọn, chó sẽ được đưa vào trường đào tạo và được các huấn luyện viên chuyên nghiệp dạy dỗ. Đầu tiên người ta dạy cho chó biết vâng lời. Những huấn luyện viên tập cho chó thói quen biết nghe lời bằng nhiều kỹ năng, thậm chí là khen ngợi. Sau khóa học vâng lời là bài học tuần tra. Bản năng của chó là theo đuổi và cắn những gì nó cho là xấu. Một chú chó được xem là qua được bài tập tuần tra khi tốt nghiệp các yêu cầu về đánh hơi. Họ cũng phải dạy cho chó kỹ năng phát hiện chất nổ, chất ma túy. Sau một khóa đào tạo, các chú chó sẽ được tổ chức một kỳ thi sát hạch. Người ta sẽ cho chó tìm kiếm tất cả các mùi qua một kịch bản diễn tập. Nếu chú chó nào vượt qua cuộc thi này, nó sẽ được gia nhập đội quân chó làm việc chính thức[4]. Chó nghiệp vụ bảo vệ tổng thống Mỹ có thể chạy với tốc độ 40–50 km/h[10].

Campuchia, người ta còn huấn luyện chó để dò mìn, Trong quá trình huấn luyện, những con chó dò mìn được huấn luyện cùng với những quả mìn thật. Theo đó, trên một diện tích nhất định, các nhân viên sẽ giăng một sợi dây. Con chó sẽ đánh hơi tìm mìn từ đầu đến cuối. Sau đó, hai đầu sợi dây được dịch chuyển thêm mỗi lần khoảng 40 cm để mở rộng phạm vi tìm kiếm. Cứ theo quy trình như thế, nó sẽ dò tìm cho đến khi nào đánh hơi được quả mìn. Quả mìn được chôn sâu khoảng 30 cm dưới lòng đất. Giai đoạn huấn luyện cuối cùng trước khi kiểm tra thường diễn ra trong 4 tháng. Sau đó, những con chó sẽ trải qua một cuộc kiểm tra khắt khe để được công nhận là chó dò mìn chuyên nghiệp.

Trong 4 tháng tập luyện thì ba tháng đầu, những con chó được huấn luyện với một loại đồ chơi có tên là Kong. Sau đó, chúng phải học cách dò tìm một mảnh nhỏ của nó có chứa một ít mùi thuốc nổ. Bằng cách huấn luyện này, các nhân viên sẽ nâng cao dần khả năng dò chất nổ của những chú chó. Sau khi hoàn tất các bài tập dò tìm mảnh đồ chơi, những chú chó được chuyển sang gia đoạn huấn luyện cao hơn. Theo đó, thuốc nổ, lá cây khô, đất và cả những mẫu thuốc lá được bỏ vào trong những cái lon bằng kim loại khác nhau và chó dò mìn phải đánh hơi tìm cho được lon nào chứa chất nổ.[11]

Chế độ ăn

Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng chó được thực hiện nghiêm túc từ việc vệ sinh chuồng trại phải thoáng mát đến việc tắm, trải lông, kiểm tra cân nặng, kiểm tra sức khoẻ phòng bệnh định kỳ, tiêm chủng vắc-xin, chế độ ăn. Đây là quy trình khép kín kể cả đối với việc nuôi tập trung cũng như nuôi phân tán[12]. Việc cho chó ăn cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn, nếu cho ăn nhiều quá, chó sẽ phì ra gây khó khăn trong việc huấn luyện, còn nếu cho ăn ít quá thì chó sẽ không đủ sức. Từng món ăn, bữa ăn phải đảm bảo đủ lượng calo và được quy định chặt chẽ, chia theo từng bữa ăn cụ thể. Để nuôi được các loài chó này, thức ăn và suất ăn cũng phải được đảm bảo chất lượng và số lượng. Chó được ăn theo chế độ đặc biệt[13].

Chế độ ăn của chó rất khác nhau, tuỳ theo từng độ tuổi, gồm đầy đủ gạo tẻ, rau xanh, gan lợn, trứng vịt lộn, sữa, và một số vitamin B, C, dầu cá, khoáng vi lượng. Các loại thức ăn này đều được chế biến cẩn thận, được chia đều vào bốn bữa ăn trong ngày. Riêng tiêu chuẩn một ngày ăn của một con chó ở Việt Nam khoảng 100 nghìn đồng, những loài khác cũng phải đến 50 ngàn/ngày, trong đó đầy đủ các món như cơm, thịt, rau, trứngsữa, ở nhiều nơi cho chó ăn gồm các loại: gan, phổi, tim cật heo, , trứng vịt lộn nấu thành cháo. Mỗi ngày đàn chó ăn hai bữa vào buổi trưa và chiều[14]. Với chế độ ăn uống và huấn luyện có tiêu chuẩn, nhiều con chó đã vượt con người về cân nặng[15]. Thậm chí, trong lúc những chú chó ăn, các học viên luôn bên cạnh vuốt ve, vỗ về âu yếm, gọi tên chó, bóp cháo, khuấy cháo, nhặt xương trong chậu thức ăn[12].